“Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang”. Khi lần đầu đọc vào lời đề tựa của quyển sách này, mình đã vô cùng ấn tượng và phải lập tức tìm mua ngay cho bằng được. Bản thân là một người làm việc trong lĩnh vực viết lách, với mình, việc nâng cao kĩ năng “luyện bút” không phải là chuyện một sớm một chiều. Content hay câu chữ bạn viết ra, tất cả đều là tấm gương phản chiếu con người bạn. Mình đã từng nghe một câu nói rất hay trong một đoạn video clip ngắn của một nhà sáng tạo nội dung rằng: “Người làm content cần phải tu dưỡng bản thân”. Mỗi một ngày trôi qua, những kiến thức mà bạn dung nạp, những kinh nghiệm sống mà bạn đúc kết, những suy tư trăn trở trong đời,... Đó chính là chất liệu tuyệt vời nhất để mài giũa con chữ sắc bén.
Và hôm nay, Nghề Giáo xin được chia sẻ đến các bạn tác phẩm “Hôm nay phải mở mang” của chị Nguyễn Thùy Dung, với hi vọng quyển sách này sẽ giúp ích cho bạn điều gì đó trong hành trình chiến đấu với ngôn từ. Không chỉ đơn giản là viết làm sao cho hay, mà là khi bạn đặt bút viết, hãy viết nên những điều có giá trị.
1. Hôm nay phải mở mang: Quyển sách gối đầu giường cho dân viết lách
Với bìa sách được thiết kế khiến người ta liên tưởng đến loài cá và đại dương bao la ngoài kia, lần đầu tiên cầm quyển sách này trên tay, mình đã nghĩ: “À, thì ra chúng ta cũng như loài cá, chúng cần phải “mở mang” để thực hiện quá trình hô hấp, còn con người phải “mở mang” đầu óc để phát triển”. “Hôm nay phải mở mang” được chắp bút bởi chị Nguyễn Thùy Dung, là người sáng lập fanpage “Ngày ngày viết chữ” chuyên sáng tạo các nội dung liên quan đến content marketing và khai thác vẻ đẹp vô tận của tiếng Việt. Không khô khan, cứng nhắc, “Hôm nay phải mở mang” được chị Dung hướng đến nhóm đối tượng: các cây bút trẻ. Trẻ ở đây không đề cập đến vấn đề tuổi tác, mà miễn là bạn là một người thích viết, ấp ủ ý định được viết, và đang chập chững tập viết, thì đây là quyển sách dành cho bạn.
Với bố cục gồm hai phần, Nguyễn Thùy Dung đưa người đọc đi từ quá trình khám phá về vai trò và ý nghĩa của việc viết lách, cho đến việc nêu ra những kỹ năng cần thiết phải rèn luyện để trở thành một người viết tốt. Đừng vội bỏ qua bất cứ một chương nào, vì toàn bộ nội dung trong sách sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về công việc “mài bút”, để bạn thêm vững tin hơn vào chuyến hành trình sắp tới. Mỗi một luận điểm, chị Dung đều đưa ra những dẫn chứng cụ thể, sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu kiến thức.
2. Viết không đắn đo, sửa không nhân nhượng
Không chỉ ở nghề viết, mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, trước khi ta học được điều đúng, ta phải chấp nhận cái sai. Đây chính là điều kiện tiên quyết để tiến bộ hơn qua từng ngày. Ở phần “Viết không đắn đo, sửa không nhân nhượng”, độc giả sẽ được tiếp cận với những yếu tố hình thành nên một cây viết tốt, những lỗi sai thường gặp trong quá trình hành văn, và làm sao để củng cố tư duy viết lách của chính mình. Nhiều người thường lầm tưởng rằng, người viết giỏi là do có thiên phú. Điều đó có thể đúng phần nào, thế nhưng, thiên phú chỉ có thể được thúc đẩy phát triển trong trường hợp chúng ta không ngừng rèn luyện bản thân.
Trong phần này, Nguyễn Thùy Dung đã vạch ra một lộ trình tương đối đầy đủ về việc làm sao để cải thiện kĩ năng viết của mỗi cá nhân. Muốn viết tốt, bạn phải “đọc” tốt. Đọc sách dường như là điều kiện tiên quyết của nghề viết. Đọc chính là quá trình tích lũy vốn từ, kiến thức, và gầy dựng nên tư duy viết cho người tiếp nhận. Và không chỉ dừng lại ở việc đọc, ta cần phải nghe, phải viết, phải sửa. Nghe ở đây chính là lắng nghe tường tận những điều xung quanh ta, kể cả trong đời sống hằng ngày. Vì bạn biết đấy, chất liệu sáng tác tốt nhất luôn bắt nguồn từ chính cuộc sống này. Khi đã đọc, đã nghe, ta tiến hành viết.
Trong quá trình viết, khó tránh khỏi những sai sót, thì ta phải học cách sửa. Mà vấn đề sửa lỗi này, sẽ dễ dàng hơn nếu trong hai quá trình đầu, trong lúc “đọc” và “nghe”, ta đã trang bị sẵn cho mình tư duy phản biện, để biết đặt ra vấn đề đúng - sai trong viết lách. Và đó cũng là cách ta ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn. Nhưng cần nhớ rằng, đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và kỉ luật không ngừng nghỉ. Quả muốn chín, cần phải không ngừng chăm bón, vun trồng.
3. Đi đường ngàn dặm, bắt đầu từ một bước chân
“Vạn sự khởi đầu nan” - không có một con đường nào là hoàn toàn bằng phẳng. Mọi việc đều khởi đầu bằng một bước chân. Khi đã rèn luyện được những kĩ năng căn bản của nghề viết, đây là lúc ta phải xác định rõ mục tiêu phát triển của mình và nhận thức tường tận trách nhiệm trong công việc viết lách. Hiểu rõ được chính mình sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong hành trình phát triển bản thân sắp tới.
Nhìn xa hơn những kỹ năng thông thường, người cầm bút cần trang bị bộ tứ kỹ năng sau đây nếu muốn trở thành một người viết thành thạo: Kỹ năng quan sát - kỹ năng ghi chép - kỹ năng lưu trữ - kỹ năng tích lũy vốn từ. Đây là một quá trình dài hơi có thể kéo dài cả đời người, miễn là bạn còn kiên trì với nghề viết. Quan sát để thu thập chất liệu sáng tạo, ghi chép để khắc sâu kiến thức và hình thành tư duy phản biện, lưu trữ để học cách sắp xếp mọi việc, và tích lũy vốn từ để làm dày thêm kiến thức của bản thân. Cả bốn kỹ năng này kết nối chặt chẽ với nhau và không thể tách rời.
Trong bất cứ chặng đường nào, cảm giác chán nản là điều khó tránh khỏi. Nhưng bạn biết đó, xe đang lên dốc là xe lên cao. Những khó khăn đó chính là động lực đưa bạn đến thành công. Chính vì vậy, làm nghề viết, hãy vượt qua “cơn đốn bút tự thân”. Mọi nỗ lực đều phải đánh đổi bằng sự kiên trì, và không tránh khỏi cả đau đớn. Thế nhưng, mong bạn hãy xác định rõ mục tiêu theo đuổi nghề viết của bản thân. Hãy học cách viết một cách khoa học, không ngừng cải thiện kỹ năng chuyên môn, tập trung rèn luyện không ngừng nghỉ. Hãy gạt bỏ những cảm xúc thông thường của nội tâm. Kỉ luật là món quà dành cho những kẻ biết làm chủ chính mình. Nhưng đồng thời chúng cũng là hình phạt cho những kẻ sống buông thả, hời hợt. Trong quyển tự truyện “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của nhà văn Haruki Murakami, mình cực kì tâm đắc với trích đoạn: “Có ba lý do khiến tôi thất bại. Tập luyện không đủ. Tập luyện không đủ. Và tập luyện không đủ. Ngắn gọn thế thôi.”. Và có lẽ điều này đúng, trên mọi phương diện của cuộc sống. Hãy nghiêm túc với mọi thứ, bạn sẽ không hối hận khi nhận được kết quả sau cùng. Cuộc đời cho chúng ta rất nhiều thời gian, mong bạn hãy nỗ lực xứng đáng.
4. Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang
Khép lại 200 trang sách, có lẽ cả mình và bạn, đều nhận ra xuyên suốt tác phẩm, chỉ có một nhân tố lớn nhất tác động đến sự thành công của bạn trong nghề viết, đó chính là bản thân bạn. Với mình, quyển sách này đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ bạn phần nào trong quá trình chinh phục con chữ. “Hôm nay phải mở mang” không phải là kim chỉ nam, quyển sách chỉ có thể đồng hành cùng bạn trên một đoạn đường nhỏ, còn lại phải nhờ bạn “tự lực cánh sinh”. Chính vì vậy, mình đã lựa chọn không đề cập nhiều đến những vấn đề chuyên môn trong quyển sách, vì tùy vào từng đối tượng, ta sẽ có một cách tiếp nhận vấn đề khác nhau. Chất liệu, ngôn từ, tư duy,... tất tần tật mọi thứ đều nằm trong tay bạn. “Cầu người không bằng cầu mình”, mong rằng tất cả chúng ta, không chỉ là những người làm trong nghề viết, mà cả những người trẻ còn chập chững với biết bao ước mơ ngoài kia, hãy đón nhận mọi thứ với tâm thế mong cầu học hỏi, rồi sẽ đến lúc nào đó, ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả không ngờ.
Nguồn: Trúc Quỳnh (Nghề Giáo)