Victor Hugo - Nhà văn viết về những người khổ cũng khổ | Câu chuyện truyền cảm hứng | Nghề Giáo

Bạn đã từng nghe về một nhà văn kiêm nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà biên kịch có thể xuất sắc trong mọi mặt chưa? Ở nước Pháp, có một đại văn hào đã làm được tất cả - đó chính là Victor Hugo.

Ông nổi tiếng với những tác phẩm kể về những người khổ, cho người khổ và đấu tranh cho người khổ. Nhưng thật sự, chính Victor Hugo cũng là một trong những người khổ ấy. Nhìn lại cuộc đời của Victor Hugo, người ta cũng thấy ông là một người “lắm tài, nhiều tật” nhưng mà chúng ta không thể phủ nhận tài năng và những cống hiến cho nghệ thuật của ông. Để hiểu sâu hơn về cuộc đời của Victor Hugo, Nghề Giáo sẽ dẫn dắt bạn khám phá những góc khuất và bí ẩn mà ít ai biết đến. Nghề Giáo sẽ đặt các tựa đề theo tên các tác phẩm của Victor Hugo để phản ánh cả sự nổi tiếng lẫn tai tiếng của ông. Còn bây giờ thì cùng tìm hiểu về Victor Hugo - Nhà văn viết về những người khổ cũng khổ.

Ánh sáng và bóng tối - Cuộc đời thăng trầm

Để hiểu về Victor Hugo, chúng ta sẽ phải tìm hiểu về thời ấu thơ của ông, vì chính thời ấu thơ này chính là điểm cốt yếu cho những câu chuyện của ông sau này.


Ánh sáng cuộc đời của ông là được thừa hưởng sự ưu tú của cha mẹ. Ông là con thứ 3 và cũng là con út, của đại tướng Joseph Léopold Sigisbert Hugo và họa sĩ Sophie Trébuchet. Được sinh ra trong gia đình có học thức, Victor Hugo được dạy và học chữ từ rất sớm. Với trí thông minh vốn có của mình, Hugo có thể đọc và viết khi chỉ mới 5 tuổi. Và mẹ của ông luôn khuyến khích cả 3 anh em theo đuổi sự nghiệp viết lách.
Năm 15 tuổi, ông bắt đầu viết thơ và được giải nhất kỳ thi thơ toàn quốc. Dù ông cũng được nhận bằng khen của Viện Hàn lâm Pháp nhưng lúc đó Viện không tin rằng Hugo chỉ mới 15 tuổi. Đến bây giờ cũng không ai biết được năm sinh chính xác của ông. Nhưng Victor Hugo tin rằng được sinh ra vào ngày 24 tháng 6 năm 1801, đây là nguồn gốc của số 24601 của Jean Valjean, nhân vật chính trong tiểu thuyết Những người khốn khổ do chính ông viết. Rồi ông từ viết những bài thơ nhỏ ông chuyển sang viết văn rồi sáng tác nhạc. Tiếp đó là sáng tác kịch. Đến nay, bất kỳ tác phẩm thuộc thể loại nào của ông cũng được công nhận. Nhưng cuộc đời thì không cho ai tất cả. Được sinh ra trong một gia đình quyền quý nhưng người ta vẫn gọi ông là nhà văn viết về người khổ rồi cũng khổ. Cha của Victor Hugo là một sĩ quan trong quân đội của Napoléon nên gia đình ông phải thường xuyên di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Vì quá mệt mỏi khi phải chuyển nơi ở liên tục nên mẹ của ông cùng 3 anh em trai tạm thời định cư ở Paris vào năm 1803. Sau đó mẹ của ông phát hiện cha của ông ngoại tình nên 2 người đã ly hôn.
Đó có thể là ám ảnh thời thơ ấu dẫn đến chuyện hôn nhân của chính ông cũng không được trọn vẹn. Victor Hugo kết hôn với Adèle Foucher - người con gái mà anh yêu suốt nhiều năm. Dù vậy nhưng Adèle chỉ cưới ông vì những danh tiếng hiện tại của ông. Hugo lại là người có ham muốn tình dục mạnh mẽ và luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình bằng những cuộc tình chóng vánh. Cũng vì thế mà vợ của Hugo, Adele đã rơi vào lưới tình với bạn thân của ông. Dù tình yêu đã chết đi nhưng vì danh dự gia đình và lòng tự trọng bản thân, ông đã không ly dị vợ. Cuối cùng, nhà văn cũng không có được một gia đình hạnh phúc trọn vẹn.
Sau này, Victor Hugo tìm được một nàng thơ khác cho mình. Đó là Juliette Drouet - người phụ nữ là nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật của ông. Nhưng rồi bóng tối của ông lại đến khi Juliette mất vì bệnh ung thư. Ông đã không rời khỏi giường bệnh của người tình nhưng vì quá đau buồn nên không thể đưa tiễn người tình về nơi an nghỉ. Trên mộ Juliette ngày ấy có khắc hai câu thơ: “Thế giới hưởng được tư tưởng của chàng. Còn tôi được tình yêu của chàng”.

Những người khốn khổ - Cuộc sống lưu vong



Khoảng năm 1841, Victor Hugo đã nổi tiếng ở Pháp nhờ các tác phẩm văn học của mình cũng như quan điểm chính trị thẳng thắn. Ông được bầu vào Académie française và được củng cố được vị trí của mình trong thế giới nghệ thuật và thư từ Pháp. Nhưng rồi sau đó ông đã tuyên bố về quan điểm tự do cũng như lên tiếng về sự bất công xã hội và chế độ tự trị. Khi Napoléon III nắm quyền kiểm soát tuyệt đối nước Pháp vào năm 1851, hệ thống chính quyền dân chủ bị bãi bỏ và Victor Hugo được coi là kẻ phản bội đất nước. Đây là sự kiện khởi đầu cho những năm sống lưu vong của ông. Ông đã di chuyển đến khắp nhiều nơi, đầu tiên là chuyển đến Brussels, rồi ông lại chuyển tới Jersey. Cuối cùng, Victor Hugo ở lại Cảng Saint Peter, Guernsey.
Như một cuộc định mệnh. Hòn đảo chính là nơi có tác động sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp viết lách của ông. Trong thời gian lưu trú, ông đã viết rằng “một tháng làm việc ở đây có giá trị bằng một năm ở Paris”. Ông thầm cảm ơn nơi này bằng bức thư tình “Những người lao động trên biển”. Ông sống ở đây từ năm 1855 cho đến năm 1870. Trong những năm đó, ông sống khổ, ở khổ, tiếp xúc với những người khổ. Và những câu chuyện về những người khốn khổ cũng được ra đời từ đây.

Những điều đã thấy - Sự nghiệp lẫy lừng

Đối với Victor Hugo thì làm nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời ông. Ngay khi mới 14 tuổi, Hugo đã viết trong cuốn nhật ký của mình rằng "Tôi muốn là Chateaubriand hoặc không gì cả". Chateaubriand chính là một nhà văn, chính trị gia và nhà ngoại giao người Pháp. Ông được coi là người sáng lập ra trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp.
Tập thơ đầu tiên của ông: (Odes et poésies diverses) được xuất bản vào năm 1822 khi ông mới 20 tuổi và nhận được tiền trợ cấp hoàng gia từ Louis XVIII. Năm 1823, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, Han d'Islande. Sau nhiều tác phẩm thơ văn được đánh giá cao. Ông chuyển hướng sang sáng tác kịch. Victor Hugo thật sự trở thành đầu tàu của phong trào văn học lãng mạn khi xuất bản vở kịch thơ Cromwell vào năm 1827. Chủ đề của vở kịch này, với âm hưởng gần như đương đại, là về một nhà lãnh đạo quốc gia trỗi dậy từ những người đang tìm cách lên ngôi vua. Hugo cho biết, ông viết kịch vì hai lý do. Thứ nhất, ông cần một diễn đàn để trình bày các quan điểm chính trị - xã hội; thứ hai, vì mong muốn người tình tên là Juliette - một diễn viên kịch nói trẻ tuổi có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu, Hugo đã sáng tác cho cô khá nhiều vở kịch đưa vào dàn dựng.
Dù đã tạo được nhiều danh tiếng, nhưng phải đến tác phẩm Notre-Dame de Paris - Nhà thờ Đức Bà Paris, Victor Hugo mới tạo được tiếng vang khắp thế giới. Cuốn tiểu thuyết lúc bấy giờ được dịch ra các thứ tiếng khác trên khắp châu u, sau này được dựng lại thành kịch sân khấu và là một trong những vở kịch ai cũng phải biết trong giới nghệ thuật.


Sau tác phẩm này, Victor Hugo bắt đầu lên kế hoạch cho một cuốn tiểu thuyết lớn về sự khốn cùng và bất công của xã hội ngay từ những năm 1830, nhưng phải mất đến 17 năm nữa để cho cuốn Những người khốn khổ hoàn thiện rồi mới được xuất bản vào năm 1862.
Victor Hugo nói: "Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ là một trong những đỉnh cao, nếu không muốn nói là nổi bật nhất trong sự nghiệp của tôi." Đúng thật, không ai ngờ được, cuốn sách có lớn đối với xã hội Pháp đến như vậy. Ngày nay, cuốn tiểu thuyết vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nó mang tính phổ biến trên toàn thế giới và đã được chuyển thể cho điện ảnh, truyền hình và các chương trình sân khấu. Sau những cống hiến của mình, Victor Hugo chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Thành công vang dội của hai tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia vĩ đại của cả nước Pháp.

Chiêm ngưỡng - "Vị thánh văn học"

Với những cống hiến to lớn trong nghệ thuật của ông nên người ta dùng cái tên "vị thánh văn học" cho Victor Hugo. Và có rất nhiều di sản vinh danh ông trên khắp các phương diện.


Từ năm 1959 đến năm 1965, Pháp đã phát hành tờ 5 franc có chân dung của Victor Hugo. Khi qua đời, Victor Hugo còn được nhà nước Pháp cử lễ quốc tang và thi hài ông được đưa vào điện Panthéon. Ở Guernsey đã dựng một bức tượng của nhà điêu khắc Jean Boucher ở Vườn Candie (Cảng Saint Peter) để tưởng nhớ thời gian ông ở quần đảo trong những ngày tháng lưu vong. Thành phố Paris đã bảo tồn các dinh thự của ông Hauteville House, Guernsey, và 6, Place des Vosges , Paris, như viện bảo tàng. Ngôi nhà nơi ông ở tại Vianden, Luxembourg, vào năm 1871 cũng đã trở thành một bảo tàng kỷ niệm. Còn có rất nhiều quảng trường, đường phố, trường học và bệnh viện trên khắp nước Pháp được đặt theo tên của ông.
Không chỉ ở nước Pháp mà những lời văn của ông đã truyền cảm hứng và đưa lối cho phong cách lãng mạn đi khắp thế giới. Vì thế mà ở nhiều nơi trên khắp thế giới dựng lên tượng bán thân của Victor Hugo. Ở Việt Nam, Victor Hugo được tôn vinh và một phần trong giáo dục về văn học quốc gia. Trước đây, khi có tiêu chí đặt tên cho các đường phố ở Hà Nội theo “tên các danh nhân văn hóa Pháp và Việt”, đã có một đại lộ mang tên ông - Victor Hugo.

Thằng cười - Lập dị

Người ta vẫn thường hay nói rằng “lắm tài, nhiều tật”. Đại văn hào nước Pháp cũng như vậy. Victor Hugo là một người cực kỳ lập dị.


Ông có sở thích viết lách kỳ lạ. Ví dụ như việc viết khi đang nhìn chằm chằm vào thứ gì đó rồi cởi bỏ quần áo. Hay việc ông mua một chiếc khăn choàng dệt kim khổng lồ màu xám, quấn từ đầu đến chân, khóa tủ quần áo lại để không bị cám dỗ ra ngoài. Ông còn là người nghiện tình dục. Ở Paris, ông là người được những cô gái hành nghề mại dâm yêu quý và tôn sùng như một vị thánh. Vì tôn kính ông nên khi đại văn hào qua đời, các nhà thổ ở Paris đóng cửa để tang một ngày để bày tỏ lòng kính trọng lần cuối với vị khách hàng trung thành. Là vậy nhưng cũng không ai phủ nhận được những đóng góp của ông trong nền văn học nước Pháp nói riêng và nền văn học thế giới nói chung.

Kết



Cuộc đời của Victor Hugo, với những mảng sáng tối đan xen, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn học Pháp và thế giới. Có thể Victor Hugo viết về những người khổ không phải vì ông cũng khổ mà chính sự đồng cảm đặc biệt dành cho những tầng lớp dưới đã làm ông rung động để có thể tạo ra những tác phẩm vĩ đại như "Những người khốn khổ" và "Nhà thờ Đức Bà Paris". Từ những tác phẩm tiêu biểu này đến những thử thách trong chính cuộc đời mình, Victor Hugo đã trở thành biểu tượng của một thiên tài với nghị lực và ý chí mạnh mẽ. Dù ông có nhưng lập dị cùng đời sống riêng tư nhiều góc khuất nhưng vẫn không làm lu mờ đi ánh sáng của một "vị thánh văn học".
Mong rằng câu chuyện về Victor Hugo - nhà văn viết về những người khổ cũng khổ - sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai yêu văn học và cần động lực theo đuổi ước mơ.
Kim Kiên - Nghề Giáo