Xuất phát từ một người bác sĩ rồi trở thành người chiến sĩ kiên cường, góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng chiến giành độc lập. Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã để lại hình ảnh sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam. Ông cũng là một trong những người hiếm hoi được Hồ Chủ tịch gọi bằng “Ngài” với sự quý trọng.
Hành trình của bác sĩ Vũ Đình Tụng là hành trình của một người con đất Việt, một trí thức yêu nước biết nén lại cái tôi riêng để hòa mình phụng sự lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Hôm nay, hãy cùng Nghề Giáo khám phá câu chuyện đầy cảm hứng của vị bác sĩ, người chiến sĩ, và Bộ trưởng mà Bác Hồ luôn trân trọng – Vũ Đình Tụng.
Một tri thức yêu nước
Tri thức Vũ Đình Tụng sinh năm 1895, quê ở Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là một bác sĩ và là Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh giai đoạn 1947 - 1959.
Hồi trẻ, Vũ Đình Tụng theo học tại trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương, rồi tiếp tục học đào tạo thành bác sĩ và làm tại Bệnh viện Thuộc địa ở Hà Nội.
Sau mất mát của 2 người con trai, bác sĩ Vũ Đình Tụng quyết tâm đi theo Bác Hồ lên Chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến. Ông tham gia cách mạng suốt 8 năm từ 1947 đến 1954 với tất cả khả năng và nhiệt huyết của mình bất chấp mọi gian khổ, khó khăn. Ông cũng đã cùng Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Hồ Đắc Di tổ chức, giảng dạy tại Đại học Y khoa kháng chiến tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang ở Việt Bắc.
Cùng với những trí thức khác, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp 9 năm đầy gian khổ.
Vị bác sĩ nhân từ
“Lẽ ra cha tôi có thể đi Pháp học tiếp hoặc tìm vị trí quyền quý, nhưng ông vẫn xin làm bác sĩ điều trị để giúp đỡ dân mình”. - bà Vũ Thị Vượng chia sẻ về cha mình, vị bác sĩ đáng kính Vũ Đình Tụng.
Mùa rét đầu năm 1945, khi nạn đói kinh hoàng đang tàn phá ở miền Bắc. Lúc ấy, bác sĩ Vũ Đình Tụng đang làm việc ở Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Trong lòng ông luôn day dứt: “Dân mình đang chết đói quá nhiều, mỗi ngày tôi đều đi qua những thi thể trên đường. Tại sao đồng bào mình lại rơi vào cảnh khốn cùng, tuyệt vọng như thế?”. Trước cảnh dân tình khốn khổ, vị bác sĩ nhân từ này đã dốc hết sức mình cứu giúp. Ông không chỉ tận tụy với công việc ở bệnh viện mà còn sẵn sàng chữa trị cho bất kỳ ai có “cơ duyên” gặp ông.
Thời điểm lúc bấy giờ, lương của ông không đủ nuôi gia đình, nhà còn thiếu thốn, còn lo ăn không đủ nhưng vợ chồng ông vẫn góp gạo nấu cháo từ thiện ở sân nhà thờ Hàm Long. Dù khó khăn, cực nhọc, ông chưa từng than vãn.
Là một bác sĩ, việc chữa trị cho người bệnh đã thể hiện y đức đáng kính, nhưng việc ông còn tận tâm giúp đỡ người dân trong cảnh đói khổ lại càng khiến ông thêm phần đáng ngưỡng mộ.
Người cha của hai liệt sỹ
Báo chí và tư liệu một thời đã nói nhiều tới một ca mổ được xem là đớn đau nhất trong cuộc đời cầm dao mổ của bác sĩ Vũ Đình Tụng.
Đêm đó, vào tháng Chạp của những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, bác sĩ Vũ Đình Tụng vẫn miệt mài cứu chữa cho hàng chục chiến sĩ vệ quốc quân từ các mặt trận trong và ngoài thành.
Trong số đó, có một chiến sĩ tự vệ Hà Thành còn rất trẻ, bị thương nặng bởi một viên đạn bắn từ phía sau. Viên đạn xuyên qua lưng, làm tổn thương nghiêm trọng phần bụng và khiến gương mặt anh biến dạng đến mức khó nhận diện. Dù đồng nghiệp khuyên ông nên nghỉ ngơi khi ông đã làm việc liên tục một thời gian dài, bác sĩ Vũ Đình Tụng vẫn kiên quyết tiến hành ca mổ này.
Nhìn thấy chiếc răng khểnh nhỏ quen thuộc trên gương mặt cậu chiến sĩ trẻ, ông Tụng đau đớn nhận ra bệnh nhân ấy chính là đứa con trai út của ông. Dẫu đau đớn nhưng ông vẫn cố kìm lòng gắp từng mảnh đạn cuối cùng trên thân thể con mình. Cuối cùng, vì vết thương quá nặng nên người chiến sĩ cũng là người con trai út của ông đã không qua khỏi.
Trước đó một người con trai khác của bác sĩ, là Vũ Đình Tín cũng đã hy sinh sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Nỗi đau này lại chồng chất nỗi đau khác. Như một sự trớ trêu của số phận, vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Thương binh, người giàu tâm huyết cho công tác thương binh liệt sỹ, cũng là người cha của hai liệt sỹ.
Lá thư từ Bác Hồ vĩ đại
Thông cảm với nỗi mất mát lớn của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bác Hồ đã viết một bức thư đầy cảm động gửi ông. Bác nhờ bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thăm bệnh viện và trao tận tay bức thư ấy.
Dù Bác Hồ đang bận trăm công nghìn việc lo cho đất nước nhân dân, nhưng vẫn dành thời gian để gửi lời hỏi thăm, động viên gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng. Đặc biệt, trong bức thư ấy, Bác đã dùng từ "ngài" để thể hiện sự kính trọng đối với ông, đây là một sự tôn trọng hiếm hoi mà Bác dành cho cán bộ làm việc trong nhà nước. Điều này càng cho thấy Bác quý trọng bác sĩ Tụng đến mức nào.
Từ lá thư ấy, bác sĩ Vũ Đình Tụng hiểu rằng nỗi đau và hy sinh của gia đình mình trở nên nhỏ bé trước cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác, của cả dân tộc. Chính điều đó đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. “Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội của nước Việt Nam mới".
Người được Bác Hồ tin tưởng
Trong lá thư, Bác Hồ đã xưng hô với bác sĩ Vũ Đình Tụng là "Ngài", một cách xưng hô thể hiện sự yêu mến và tôn trọng sâu sắc của Bác đối với ông. Không chỉ quý trọng, Bác còn đặt niềm tin lớn vào con người này.
Trước khi lên Việt Bắc làm việc cùng Bác Hồ, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã được Bác giao phó nhiều trọng trách quan trọng, thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối.
Ngày 23/11/1946, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Và ở Đại hội Đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam (cũng là Hội chữ thập đỏ hiện nay) tổ chức lần thứ nhất tại Vân Đình, Hà Nội, bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng của Hội. Sau khi Hội Hồng Thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm 1947, bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Chủ tịch Hội. Cũng trong năm đó, cụ Vũ Đình Tụng được cử làm Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông được Bác Hồ cử làm đặc phái viên của Chính phủ phụ trách việc chăm sóc thương binh ở chiến trường. Bác sĩ Vũ Đình Tụng và GS. Tôn Thất Tùng đã cùng làm việc ngày đêm để cấp cứu thương binh ngay ở mặt trận hàng tháng trời.
Sau năm 1954, bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình trở về Hà Nội sinh sống. Năm 1973, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 78 tuổi. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, Vũ Đình Tụng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu khác.
Nghề Giáo xin tri ân vị bác sĩ nhân hậu, trí thức yêu nước, người đã dành cả cuộc đời mình vì dân, vì nước, và tiếp tục là tấm gương sáng ngời cho nhiều bạn trẻ hiện nay.
Kim Kiên - Nghề Giáo