451 độ F - Khi truyền thông hủy diệt những trang sách

Ra đời hơn 70 năm trước, nhưng lại có thể tiên tri một cách chính xác sự chi phối của truyền thông ngày nay. Quyển sách này có gì mà lại có thể lọt vào danh sách những tác phẩm văn học Mỹ kinh điển nhất mọi thời đại?

451 độ F - Nhiệt độ giấy in sách bắt lửa, và bốc cháy… Ngay từ tiêu đề của tác phẩm đã khiến cho rất nhiều độc giả phải tò mò trước nội dung của toàn bộ quyển sách. Là một tiểu thuyết giả tưởng thuộc dòng văn học Phản Địa Đàng (dystopia), toàn bộ câu chuyện trong 451 độ F được bao bọc bởi dáng vẻ huyền bí của bóng tối và sắc lửa cháy dữ dội đến từ một thế giới nơi truyền thông có khả năng “thiêu rụi” đời sống con người.


Bạn có tưởng tượng được sẽ như thế nào nếu một ngày lính cứu hỏa trở thành lính phóng hỏa, và nhiệm vụ của họ là đi đốt sạch những quyển sách? Trong 451 độ F, tác giả vẽ ra một viễn cảnh nơi sách là “cấm vật”, và con người bị chính phủ nhồi nhét những thứ truyền thông “ngắn hạn” và công nghệ “mì ăn liền” vào đầu, để họ không còn có khả năng tư duy linh hoạt, cảm nhận khách quan cũng như không còn muốn đấu tranh phát triển nền văn minh nhân loại. Và từ đó họ có thể bị tẩy não một cách dễ dàng. Khi con người đắm chìm và phụ thuộc hoàn toàn vào trong cuộc sống tiện nghi ấy, kể cả ngoài kia chiến tranh có nổ ra, họ cũng không hề hay biết.

Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn sống trong một xã hội mà người ta quan niệm rằng hạnh phúc đến từ những gì trực tuyến và tức thời, chúng không đọng lại trong tâm trí ta để tránh gây ra nỗi phiền muộn cho nhân loại, thì liệu đây có thật sự là hạnh phúc? Năm 1953, nhà văn Ray Bradbury xây dựng nên một thế giới giả tưởng rằng trong tương lai con người ta sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào công nghệ và truyền thông. Thế nhưng, chúng ta, những con người của thế kỉ 21, sau hơn 70 năm đã dần tự hoàn thành lời tiên tri này bởi sự phát triển chóng mặt của truyền thông đa phương tiện trong một xã hội thượng tôn vật chất.
Một sự thật đáng buồn là càng ngày người ta càng ưu tiên những thông tin nhanh, trực quan, và dễ tiếp cận. Các nền tảng mạng xã hội mọc lên như nấm. Người ta chỉ lướt qua một bài báo khi mới đọc mỗi tiêu đề. Các video clip dần thay thế cho những văn bản dài toàn chữ. Sách nói chiếm thế thượng phong hơn sách giấy. Văn hóa đọc sách dần dần trở nên bị mai một. Thậm chí trong câu chuyện, một tác phẩm văn học kinh điển đồ sộ cũng có một ngày chỉ được tóm tắt bằng vài ba dòng ngắn ngủi trong từ điển. Không ai có thể biết liệu rằng trong 10, 20, hay thậm chí 50 năm, 100 năm nữa, sách giấy sẽ tồn tại ở đâu trong văn hóa nhân loại, khi mà truyền thông dần dần chi phối mọi mặt trong đời sống con người.

Nhân vật chính Guy Montag cũng là một nạn nhân điển hình của thời đại. Anh đã từng là một anh lính phóng hỏa không nương tay đốt sạch hết những quyển sách. Thế nhưng, may mắn thay, đôi tay và trái tim của Montag dần hiểu được giá trị của những trang sách mà anh đã chạm vào. Và người đàn ông này, như những kẻ-được-chọn-cuối-cùng mang sứ mệnh gìn giữ kho tàng tri thức nhân loại, đã chọn cách chống lại nền văn minh mục ruỗng này. Kết cục cho Montag, những quyển sách, cho những kẻ như anh đang ngày đêm đấu tranh để giành lấy sự tự do cho trí thức, phải đi sâu vào tác phẩm ta mới có thể hiểu hết được.

Thêm một điều khiến mình rất tâm đắc về 451 độ F, đó chính là tuy thuộc dòng văn học Phản Địa Đàng, thế nhưng tác phẩm không mang màu sắc quá “hiện sinh” đến bi quan như một số thông lệ thường thấy của dòng văn học đặc trưng này. Những tia sáng le lói vẫn được lồng ghép đan xen trong xuyên suốt tác phẩm. Nàng thơ Clarrise, chàng lính phóng hỏa Montag, giáo sư văn chương già cỗi Faber, và hàng trăm hàng nghìn số phận bấp bênh của những nhà khoa học hết thời đương lang thang ngoài kia,... chính là những ngọn lửa cuối cùng, thực hiện chức năng sưởi ấm con người, chứ không phải thổi bừng vạn vật như những con “rồng lửa”. Và chính từ những điều tưởng chừng như “thiểu số” ấy, nếu được tưới tắm bằng sự mát lành của một trái tim mê học hỏi, rồi sẽ có ngày khu vườn trái ngọt “trí thức” sẽ gặt được quả: “Người ta có thể không biết người cắt cỏ đã từng ở đó; nhưng người làm vườn thì sẽ còn đó cả đời.”

Nguồn: Trúc Quỳnh (Nghề Giáo)