Đừng Để Những Lời Nói Đùa Tổn Thương Một Đứa Trẻ I Tri thức I Nghề giáo

Bạn có biết những lời nói đùa vô ý có thể gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn trẻ nhỏ như thế nào không?

Chúng ta thường có thói quen đùa giỡn với trẻ nhỏ, lời nói không hề có ác ý, tuy nhiên, không phải lúc nào những lời nói đùa cũng mang lại tiếng cười vô hại. Đôi khi, những câu nói tưởng chừng như vô ý lại gây tổn thương sâu sắc đến tâm hồn trẻ thơ. Các bậc phụ huynh và người thân cần nhận thức rõ ràng rằng trẻ em, đặc biệt ở độ tuổi 2-3 và 13-15, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương tâm lý.

Nhạy Cảm Hơn Người Lớn Nghĩ

Có lẽ bạn không tin nhưng thực tế, trẻ nhỏ nhạy cảm hơn chúng ta tưởng. Ở độ tuổi 2-3, trẻ bắt đầu hình thành ý thức cá nhân, trong khi độ tuổi 13-15 là giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì. Ở cả hai giai đoạn này, trẻ cần sự quan tâm, yêu thương và bảo vệ từ bố mẹ. Tuy nhiên, những lời nói đùa vô ý như "Con xấu lắm, không ai yêu con đâu" hay "Mẹ sắp đẻ em rồi, ba mẹ sẽ không thương con nữa" có thể khiến trẻ cảm thấy buồn bã và tự ti.



Một trường hợp thực tế của chính bản thân tôi, lời nói đùa của tôi khiến em trai tôi không chịu đi học vẽ vì em ấy sợ tôi lại chê em ấy vẽ xấu. Lúc đó, tôi chỉ muốn giễu cợt và không hề có ý định làm tổn thương em. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng từng câu nói của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tâm hồn nhạy cảm của trẻ, và tôi hối hận về việc không cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi nói. Đó là một bài học đắt giá về sự nhạy cảm và tầm quan trọng của việc tôn trọng và ủng hộ sự phát triển của trẻ em.

Hậu Quả Của Những Lời Nói Đùa

Những lời nói đùa vô tình của người lớn có thể đi sâu vào ký ức tuổi thơ của trẻ và gây tổn thương lâu dài. Sự vô ý này có thể là nguyên nhân dẫn đến xáo trộn tinh thần, thậm chí là trầm cảm ở trẻ. Một câu nói như "Con được bố mẹ nhặt về nuôi, nếu không ngoan mẹ sẽ không thương con nữa" có thể khiến trẻ cảm thấy hoang mang và lo sợ, mất đi cảm giác an toàn trong gia đình. Hoặc là "con là chị con phải nhường em chứ." trẻ sẽ cảm thấy em bé cướp đi ba mẹ của trẻ và sẽ có những hành vi không tốt để chiếm lại sự chú ý của ba mẹ. 

Những Câu Nói Đùa Nên Tránh

"Con lại làm ướt giường à? Lớn như vậy mà vẫn không biết xấu hổ sao?": Câu nói này có vẻ là để trêu đùa nhưng thực chất khiến trẻ xấu hổ và tổn thương lòng tự trọng.
"Nếu con không ngoan, bố mẹ sẽ gửi con sang nhà bà đấy": Trẻ có thể hiểu rằng mình chỉ có giá trị khi đáp ứng được mong đợi của bố mẹ, dẫn đến việc trẻ cố gắng làm vừa lòng người khác mà không biết điều mình thực sự cần.
"Bố con đi lấy vợ khác rồi, sẽ không trở về hay yêu thương con nữa": Câu nói này làm trẻ cảm thấy mình là nguyên nhân gây ra sự không hạnh phúc của bố mẹ, dẫn đến cảm giác tội lỗi và sợ hãi.

Lời Khuyên Cho Phụ Huynh

Phụ huynh cần chú ý và cân nhắc kỹ lưỡng trong cách giao tiếp với trẻ, tránh những lời nói đùa vô ý gây tổn thương. Thay vào đó, hãy khuyến khích và động viên trẻ, giúp trẻ tự tin và phát triển lành mạnh. Bố mẹ nên học cách tôn trọng và bảo vệ con cái, đồng hành cùng trẻ trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân.


Trẻ nhỏ đang trong quá trình học hỏi và phát triển, vì vậy không thể tránh khỏi những sai lầm. Bố mẹ cần cho phép con được phạm sai và cùng con điều chỉnh hành vi chưa phù hợp. Việc tạo môi trường yêu thương và an toàn cho trẻ sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và hạnh phúc hơn.
Nguồn: Bảo Hân