Tổ chức QS giữa tháng trước công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo 5 lĩnh vực, với tổng cộng 55 ngành đào tạo.
Ở ngành Kỹ thuật Điện tử, 16 đại học châu Á góp mặt trong top 50. Trong đó, Đại học Công nghệ Nanyang xếp hạng 4 thế giới cùng với Đại học Quốc gia Singapore.
Ở các vị trí tiếp theo, Trung Quốc chiếm hơn một nửa, dẫn đầu là Đại học Thanh Hoa (hạng 10 thế giới), Giao thông Thượng Hải (hạng 12) và Bắc Kinh (hạng 19). Còn lại, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, mỗi nước có hai đại diện.
Nhìn chung, hầu hết trường tăng hạng, nhảy vọt là Đại học Phúc Đán của Trung Quốc, từ vị trí 81 năm ngoái vào top 50 thế giới năm nay.
Về học phí, các trường thu khoảng 2.600-34.700 USD (67,6-897 triệu đồng) mỗi năm với sinh viên quốc tế, cao nhất là hai trường ở Singapore. Tuy nhiên, sinh viên quốc tịch ASEAN, nhận hỗ trợ của Chính phủ, chỉ phải nộp khoảng 13.690-15.700 USD mỗi năm.
Mức thu thấp nhất thuộc về các đại học ở Trung Quốc đại lục và Ấn Độ.
QS (Quacquarelli Symonds) là một trong ba tổ chức xếp hạng có quy mô lớn nhất thế giới, bên cạnh THE (Times Higher Education) và ARWU (Shanghai Ranking).
Bảng xếp hạng theo lĩnh vực của QS năm nay dựa vào dữ liệu khoảng 1.700 trường ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 tiêu chí, danh tiếng học thuật chiếm trọng số lớn nhất, khoảng 40-50%. Còn lại là uy tín của trường với nhà tuyển dụng; số trung bình trích dẫn trên một bài báo; chỉ số H-index đo năng suất nghiên cứu khoa học và mức độ ảnh hưởng của các công bố; chỉ số IRN đo hiệu quả hợp tác quốc tế.
VNExpress