Nguyễn Đinh Thu Hiền, 27 tuổi, trúng tuyển kỳ thi viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc của TP HCM, hồi đầu tháng. Cô được phân công về làm giáo viên Toán tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
"Biết tin, mình báo cho bố mẹ đầu tiên. Họ đã kiên nhẫn chờ ngày này 9 năm", Hiền nói.
Hiền là một trong hai giáo viên được TP HCM tuyển dụng theo diện đặc biệt trong năm nay. Ngoài lương tháng theo ngạch, bậc, cô hưởng thêm phụ cấp bằng 100% lương trong vòng 5 năm, tổng gần 11 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, Hiền có thể nhận thu nhập tăng thêm của thành phố (1,8 lần lương), nếu hoàn thành tốt công việc, và các phụ cấp khác của ngành giáo dục.
Nguyễn Đinh Thu Hiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiền kể thích và giỏi Toán từ nhỏ. Ngày học ở trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai, cô nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh.
Hành trình học tập suôn sẻ với nhiều giải thưởng lớn, nhỏ nên Hiền đặt nhiều hy vọng vào kỳ thi. Tuy nhiên, kết quả không như ý khiến cô buồn bã, tự nhủ không tiếp tục theo Toán.
Lên lớp 12, Hiền chọn ngành theo tiêu chí "xứng tầm" với điểm số. Với gần 27 điểm thi tốt nghiệp THPT, cô đỗ vào ngành Dược của trường Đại học Y Dược TP HCM.
"Thời điểm đó những bạn học tốt, điểm số cao ở khối tự nhiên thường chọn trường Y, Bách khoa hay Ngoại thương, Kinh tế hoặc theo những ngành hot", Hiền lý giải.
Bốn năm tiếp theo ở trường Đại học Y Dược TP HCM, theo Hiền trôi qua "bình bình". Cô không gặp nhiều trở ngại nhưng không tìm thấy niềm đam mê với ngành học. Theo Hiền, ngành Dược đòi hỏi sinh viên đọc và ghi nhớ thông tin nhiều, vốn không phải thế mạnh của bản thân.
Sang năm cuối, Hiền nghiêm túc tự hỏi và cho rẳng bản thân khó có thể làm việc trong ngành Dược suốt đời. Dù vậy, cô mất một thời gian dài suy nghĩ bởi thời điểm này đã gần ra trường. Nếu bỏ ngành Dược, bao thời gian và công sức của Hiền suốt bốn năm sẽ lãng phí. Hơn nữa, Hiền lo bố mẹ phản đối.
Dù vậy, khi tâm sự với bố, cô được ủng hộ. Từng không chọn ngành yêu thích, bố Hiền đồng cảm, giúp cô thuyết phục mẹ. Đây là điểm tựa để Hiền quyết định bỏ ngành Dược, thi lại vào Sư phạm Toán.
"Nếu quay ngược thời gian, mình vẫn chọn như vậy, chỉ tiếc là không quyết đoán hơn nên bỏ lỡ thời điểm tuyển sinh năm 2019, phải chờ năm sau mới thi lại", Hiền nói.
Hiền (áo dài trắng) trong buổi thi tuyển ở Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ngày 15/10. Ảnh: Hoài Nam
Chọn ngành sư phạm, nữ sinh cho biết một phần vì không muốn gia đình phải lo tiền học phí. Phần khác là sau những trắc trở, Hiền nghĩ làm giáo viên có thể giúp học sinh trong định hướng nghề nghiệp.
"Mình nhận ra việc tư vấn hướng nghiệp rất quan trọng, có thể là bước ngoặc cuộc đời. Đã trải qua một lần vấp váp nên mình hy vọng giúp các bạn đi sau", cô chia sẻ.
Có lợi thế các môn tự nhiên, kiến thức chưa mai một nên quá trình ôn thi lại không quá khó với Hiền. Cô làm các dạng đề trên mạng, xem video sửa đề từ các thầy cô rồi tự ôn. Ngay từ đầu, Hiền xác định để đạt 6 điểm mỗi môn là trong tầm tay, việc ôn thi nhằm đạt mức 8-9 điểm.
Hiền sau đó đỗ vào ngành Sư phạm Toán, trường Đại học Sư phạm TP HCM với gần 27 điểm. Lần thứ hai vào giảng đường đại học, lo khó hòa nhập với các bạn gen Z nên Hiền xung phong làm lớp trưởng, đăng ký ở ký túc xá để gần gũi bạn bè. Nhờ đó, Hiền có một nhóm bạn thân cùng học và sẻ chia.
Tốt nghiệp xuất sắc với điểm trung bình 3,78/4, Hiền quyết định ứng tuyển làm giáo viên, theo chương trình tuyển dụng nguồn sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ của TP HCM. Thường được nghe bạn thân là cựu học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa kể về trường, cô thấy thân thuộc và đặt nguyện vọng vào đây.
Để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, bên cạnh chuyên môn, Hiền phải đọc 20 luật, điều lệ, nghị định trong vòng một tuần. Hôm dự thi, Hiền bốc thăm vào hai câu hỏi về Luật Viên chức và Luật Giáo dục, cùng một bài toán. Cô hoàn thành phần thi suôn sẻ.
Thu Hiền trong ngày tốt nghiệp, bên cạnh thầy cô Đại học Sư phạm TP HCM, tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Phạm Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Toán - Tin học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, nói Hiền là một trong những cái tên đầu tiên cô nhớ trong danh sách gần 200 sinh viên cùng khóa.
Cô kể năm 2021 là cao điểm dịch Covid-19. Học online, nhưng Hiền rất nghiêm túc và tập trung. Nữ sinh tích cực, chủ động tham gia thảo luận, trình bày bài tập, có nhiều câu hỏi rất trúng vấn đề.
Theo cô, Hiền có tư duy chặt chẽ, nắm bắt vấn đề nhanh, quan trọng nhất là tinh thần trách nhiệm và sự chín chắn trong ứng xử.
"Sinh viên như Hiền là nhân tố quan trọng để buổi học trở nên sống động, đáng học đối với các bạn trong lớp và đáng dạy đối với tôi", cô Thủy nói.
Trước khi tham gia kỳ tuyển dụng đặc biệt của thành phố, Hiền đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Toán giải tích. Nhận công việc mới, lại vừa học vừa làm, Hiền cho rằng hai năm tới sẽ là khoảng thời gian cực kỳ bận rộn và áp lực.
"Mình vẫn phải tiếp tục học hỏi, nhất là các thầy cô đi trước về kỹ năng giảng dạy. Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai nhưng mình quyết tâm cải thiện dần", Hiền nói.
Nguồn: vnexpress.net