Cuộc sống miền núi trong 'Cái chết của bầy ong' | Sách hay | Nghề Giáo

Tác giả Hữu Vi viết về nỗi niềm khi thấy sự hiện đại dần thay thế phong tục truyền thống, trong sách "Cái chết của bầy ong".

Tác phẩm gồm 13 truyện ngắn, là những mẩu chuyện đời thường, lát cắt cuộc sống của người dân tộc. Lời văn không nhiều kịch tính, chủ yếu về những đôi trai gái gặp gỡ ở hội làng, chuyện cha mẹ nhớ con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp, người trẻ tìm những điều mông lung, ông bà nhớ quê cũ.


Bìa "Cái chết của bầy ong". Sách 148 trang, phát hành cuối tháng 11. Ảnh: NXB Trẻ


Điểm nổi bật trong sách là "các vấn đề phong tục và thời cuộc, giữa nếp cũ và những đổi thay hiện đại, giữa miền ngược và miền xuôi". Chủ đề này là sợi chỉ xuyên suốt các truyện, trình bày thực tế mà tác giả quan sát hằng ngày.


Hữu Vi ví von con người với cây với trái, qua từ láy gợi lên thanh âm của thiên nhiên, giọng kể mộc mạc, bối cảnh bản làng. Anh không bi lụy, không lên gân, không phán xét hay cố nhấn mạnh thông điệp nào. Anh kể chuyện bằng một chất giọng bình thản.


Truyện Hai chiếc áo sơ mi về ông bà Tâm ở bản Hon trên triền núi Pu Quai. Nét phong tục, hiện thực cuộc sống lẫn niềm tin của con người được tác giả thể hiện qua nhiều tình tiết. Ông bà vui khi con cái xuống thành phố ăn nên làm ra, người con gái út sắp lấy chồng ở tận Cà Mau. Nhưng họ cũng buồn vì vợ chồng cô ngày Tết không về nhà được, phải ở lại làm thêm. Việc này không đúng với tập tục của người Thái: Con rể phải về, trực tiếp cho ma nhà nhận mặt thì mới được công nhận.


Kết truyện, cha mẹ nhận được một gói đồ, trong đó có áo của con gái và một chiếc sơ mi nam. "Con gái gửi áo của chồng nó về để ông bà Tâm cúng trên bàn thờ tổ tiên. Có cái áo này, ma nhà sẽ nhận mặt con rể", tác giả viết.


Cái chết của bầy ong - truyện ngắn được chọn làm tên sách - nói về mâu thuẫn giữa tập tục cũ và cách sống hiện đại. Trưởng thôn Khăm Xay mang "văn minh" đến với bản làng, thúc đẩy người dân thay đổi cách tổ chức tang ma. Các dòng họ thi nhau vào phát dọn, ngả cây, làm hàng rào, đào hào chia phần. Khu rừng trở thành đồi trọc, mất dần cổ thụ, chỉ còn lại một khoảng đồi với từng đám mộ trắng mấp mô như đá nung vôi.


Tác giả lồng ghép chi tiết về phong tục của người miền núi như: Nghi thức cưới hỏi hay tang ma, những bài đồng dao, tục ném pao bắt vợ, địa vị của thầy mo, tục cúng ma, tục mổ trâu, lễ cúng họ, lễ phạt vạ, sự quan trọng của cây cột cái giữa nhà, lễ gọi vía, lễ cúng giàng. Những tập tục được mô tả sống động, thể hiện tinh thần văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc.


Hữu Vi nêu lên nhiều mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa miền ngược và miền xuôi. Vấn đề này không có câu trả lời rõ ràng, không có đúng hay sai. Tác giả nhắc nhở người đọc phải cân nhắc về những lựa chọn trong thời đại đổi thay chóng mặt. Anh đặt câu hỏi: Khi các giá trị cũ liên tục bị thách thức, chúng ta nên giữ lại điều gì? Ngoài ra, việc bảo tồn phong tục của các dân tộc thiểu số là điều cần được thảo luận nghiêm túc.


Nhà văn Hữu Vi. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: "Văn của anh trong trẻo, nhẹ nhàng, tạo ấn tượng núi non đủ độ, không cố tình uốn giọng ngọng nghịu cho ra vẻ 'miền núi'. Một tập hợp truyện ngắn ở đây chạm đến các vấn đề phong tục và thời cuộc. Không có gì gay cấn, mọi nút thắt đều được gỡ ra từ tốn, có khi hơi đơn giản. Những điều đơn giản ấy có thể lại làm cho người ta vương vấn".


Hữu Vi tên thật là Vi Văn Chôồng, là người dân tộc Thái, sinh ra và làm việc tại Nghệ An. Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, có nhiều bài thơ, truyện in trên các báo, tạp chí từ năm 1998 đến nay. Tác giả từng ra mắt các cuốn sách như tập truyện Những giấc mơ rừng (2022), tập thơ Triền non xanh dắt tôi đi mãi (2022).


VNExpress