Đặng Lê Nguyên Vũ: Đổi đời từ hạt cà phê, kiến tạo vị thế Việt Nam l Đổi đời chỉ với một ý tưởng l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Hành trình xây dựng Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ là bài học khởi nghiệp cảm hứng, mà còn là câu chuyện đưa giá trị Việt vươn xa trên thế giới.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971, một doanh nhân Việt Nam nổi tiếng với biệt danh "Vua Cà phê Việt Nam". Ông là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam.​ Từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên một đế chế cà phê mang tầm vóc quốc gia, góp phần định hình văn hóa thưởng thức cà phê Việt. Hành trình của ông không chỉ là bản hùng ca khởi nghiệp, mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên và tinh thần không ngừng đổi mới của doanh nhân Việt Nam.


Từ vùng đất đỏ bazan

Trước khi trở thành một doanh nhân lừng danh với danh xưng “Vua Cà phê Việt Nam”, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trải qua một tuổi thơ đầy gian nan giữa vùng đất đỏ bazan nghèo khó – nơi mà những hạt cà phê đầu tiên âm thầm gieo mầm cho một tình yêu lớn.

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Khi mới 8 tuổi, cả gia đình ông rời quê, lên vùng đất cao nguyên Đắk Lắk lập nghiệp. Đó là những năm tháng khốn khó khi ông chứng kiến mẹ mình tần tần lo toan mọi việc trong nhà, gồng gánh cả gia đình trong cảnh nghèo túng. Ngay từ bé, Nguyên Vũ đã phải phụ giúp mẹ đủ mọi việc để kiếm sống – từ chăn lợn, bẻ ngô đến đóng gạch thuê. Cuộc sống cơ cực không làm ông gục ngã, mà trái lại, tôi luyện nên trong ông một ý chí bền bỉ và khát vọng vươn lên.


Sống giữa những nông trại cà phê bạt ngàn, hương thơm đượm nồng của cà phê đã thấm vào tâm hồn non trẻ của cậu bé Vũ từ lúc nào không hay. Tình yêu với cà phê, ban đầu chỉ là những quan sát giản đơn, dần trở thành một giấc mơ lớn – đưa hạt cà phê Việt ra thế giới.



Năm 1992, ông thi đỗ vào ngành Y, Đại học Tây Nguyên, với mong muốn trở thành bác sĩ. Khi ấy, ông vừa học vừa làm thuê để trang trải cuộc sống. Đến năm thứ ba đại học, ông nhận ra mình không thực sự thuộc về ngành nghề này.
Chính lúc ấy, tình yêu cà phê đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu về cây cà phê, về giá trị kinh tế và văn hóa mà nó mang lại. Với ông, cà phê không chỉ là một loại hàng hóa – đó là một biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng Việt.

Giấc mơ mang tên cà phê

Để tạo dựng nên đế chế cà phê hùng mạnh như Trung Nguyên ngày hôm nay, Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu từ con số gần như trắng tay. Những ngày đầu khởi nghiệp, nơi làm việc của ông chỉ gói gọn trong một không gian chật hẹp vài mét vuông, với một chiếc máy rang cà phê cũ kỹ và một chiếc xe đạp cà tàng làm phương tiện giao hàng.



Cafe Trung Nguyên ra đời vào năm 1996, là sự hợp tác giữa ông Vũ và hai người bạn tốt. Công việc thời đó chỉ đơn giản là một quán cafe và đi giao cafe rang xay sẵn cho những địa điểm khác. Những mẻ cà phê đầu tiên được rang bằng chính đôi tay của họ, mùi khét lẫn vào mồ hôi, lửa nóng và sự kiên định. Mỗi ngày, ông Vũ lại tự mình đạp xe vượt qua những con đường đất đỏ gồ ghề, trèo đèo, lội suối để giao từng gói cà phê rang xay đến tay khách hàng. Không nhân viên, không tài chính dư dả, tất cả chỉ có lòng tin sắt đá và một giấc mơ về cà phê Việt Nam.



Ông Vũ luôn trăn trở không ngừng: Tại sao Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, lại chỉ bán được cà phê thô với giá rẻ mạt? Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn cứ nghèo?
Từ những câu hỏi ấy, ông rẽ hướng kinh doanh với hình thức khác. Thay vì chỉ mua đi bán lại cà phê nguyên liệu như phần lớn thương lái thời đó, ông chọn con đường ít người đi: chế biến sâu, tạo ra thương hiệu, bán giá trị thay vì bán khối lượng. Khi phần lớn thị trường còn mải miết với việc xuất khẩu cà phê thô, ông dồn hết tâm huyết vào việc làm ra những ly “cà phê có hồn”. “Hồn” ở đây không chỉ nằm ở hương vị đậm đà của cà phê, mà còn là thứ khiến người thưởng thức có thể chạm đến chiều sâu văn hóa bản sắc Việt.


Thời ấy, ít ai tin vào mô hình này. Người ta bảo ông “khùng”, “ngông”, và cái tên “Hãng cà phê Trung Nguyên” chỉ là một giấc mơ viển vông bởi lúc đó, trong tay ông chẳng có gì. Nhưng chính cái sự “ngông” ấy lại là thứ thắp lửa cho một cuộc cách mạng thầm lặng của ngành cà phê Việt. Từng gói cà phê Trung Nguyên đầu tiên ra đời, tuy mộc mạc về hình thức, nhưng chứa đựng bên trong là biết bao đêm dài không ngủ, là mồ hôi, kiên định và cả niềm tin cháy bỏng.

“Vua cà phê Việt Nam”

Không lâu sau những ngày đầu khởi nghiệp gian khó, thương hiệu cà phê Trung Nguyên bắt đầu vươn mình mạnh mẽ, vượt khỏi ranh giới cao nguyên Đắk Lắk để tiến vào những đô thị lớn. Năm 1998 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Trung Nguyên chính thức “đổ bộ” vào Sài Gòn bằng cửa hàng đầu tiên – mang theo một làn gió mới cho văn hóa thưởng thức cà phê nơi phố thị.



Từ đó, một cuộc cách mạng “cà phê” dữ dội bắt đầu lan tỏa. Không chỉ đơn thuần bán cà phê, Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra một triết lý thưởng thức – nơi người uống không còn là khách hàng thụ động, mà trở thành những “tay chơi cà phê” thực thụ, tự chọn gu, tự định hình phong cách qua từng hương vị.

Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp Việt tiên phong phát triển theo mô hình nhượng quyền, mở rộng hệ thống từ Bắc chí Nam. Chỉ sau vài năm, thương hiệu này đã phủ sóng khắp cả nước, tạo ra bản sắc riêng không thể trộn lẫn. Người ta thậm chí bắt đầu dùng cụm từ “cà phê Trung Nguyên” như một định danh cho cà phê có gu, có hồn – giống như cách người Việt quen gọi xe máy là Honda.



Năm 2003, sự ra đời của G7 – dòng cà phê hòa tan đầu tiên của Trung Nguyên – đã trở thành một cú hích lớn. Không chỉ vượt qua những cái tên sừng sỏ như Vinacafé hay Nestlé để chiếm lĩnh thị phần, G7 còn đưa Trung Nguyên bước vào giai đoạn bứt phá ngoạn mục, định vị lại cuộc chơi trên thị trường cà phê hòa tan.


Không dừng lại ở đó, Trung Nguyên liên tiếp mở rộng quy mô sản xuất với loạt nhà máy hiện đại: nhà máy tại Bình Dương – lớn nhất Việt Nam, và nhà máy tại Bắc Giang – lớn nhất châu Á. Danh mục sản phẩm ngày càng đa dạng, từ cà phê chồn quý hiếm, cà phê rang xay, cà phê hạt nguyên chất cho đến cà phê tươi và cà phê hòa tan cao cấp.
Tầm nhìn của Đặng Lê Nguyên Vũ không dừng ở sản xuất. Ông còn kiến tạo không gian văn hóa cà phê với Làng cà phê Trung Nguyên rộng 20.000m² và Bảo tàng Thế giới Cà phê tại Buôn Ma Thuột – như một tuyên ngôn mạnh mẽ về tham vọng đưa nơi này trở thành “thủ phủ cà phê toàn cầu”.

Từ một quán nhỏ với chiếc xe đạp giao hàng, Trung Nguyên đã vươn mình thành biểu tượng quốc gia về cà phê – không chỉ bằng sản phẩm, mà bằng khát vọng, bản lĩnh và một hương vị mang dấu ấn không thể trộn lẫn: hương vị của tinh thần Việt Nam.

Khát vọng vươn tầm thế giới

Khi nhìn thấy thị trường trong nước bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài, trong khi Việt Nam lại là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới với những hạt cà phê mang hương vị độc đáo và phẩm chất vượt trội, Đặng Lê Nguyên Vũ đã nuôi một khát vọng lớn hơn. Đó là giấc mơ khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ông từng nói với niềm tin mãnh liệt: “Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được thì nước ta nhất định làm được”.




Năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng đại diện tại Singapore – một bước đi chiến lược nhằm biến nơi đây thành bàn đạp để thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN và quốc tế. Đến nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, từ châu Á, châu Âu cho tới châu Mỹ, mang theo hương vị đặc trưng và tinh thần Việt vươn xa. Với ông, đây không chỉ là một cuộc cạnh tranh thương mại, mà là hành trình định danh văn hóa, đưa tinh thần Việt và bản sắc cà phê Việt Nam ra thế giới.



Năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ chính thức được tạp chí danh tiếng National Geographic Traveller vinh danh là “Vua Cà phê Việt”. Tạp chí Forbes tiếp tục gọi tên ông trong danh sách những biểu tượng khởi nghiệp với cụm từ đầy ấn tượng: “zero to hero” – từ vô danh thành anh hùng.

Khi được hỏi về bí quyết khởi nghiệp thành công, ông Vũ chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp khó lắm, cái đầu tôi trụi luôn. Không có bất cứ thuận lợi nào – chỉ có rất nhiều khó khăn. Tôi bắt đầu không từ con số 0, mà là con số âm”. Thế nhưng, đối với ông: “Khi mình không có tiền, thì phải có chí. Mà nếu chưa có chí, thì ít nhất phải có mồ hôi và sức lao động. Đó là điểm tựa đầu tiên và cuối cùng”.


Người truyền cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ

Không chỉ là người đưa thương hiệu Trung Nguyên vươn xa, Đặng Lê Nguyên Vũ còn trở thành biểu tượng sống cho tinh thần khởi nghiệp, ý chí sáng tạo và khát vọng kiến quốc. Hành trình từ một chàng trai nghèo ở vùng đất đỏ Tây Nguyên đến “Vua cà phê Việt” không chỉ là một câu chuyện kinh doanh đáng ngưỡng mộ mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho biết bao người trẻ đang khởi sự từ hai bàn tay trắng.

Với ông Vũ, cà phê không đơn thuần là một loại hàng hóa. Cà phê là tinh hoa, là linh hồn văn hóa Việt Nam. Từ ý tưởng đó, ông phát triển triết lý "Đạo cà phê" nhằm nâng tầm ý nghĩa ly cà phê, biến Việt Nam trở thành điểm hội tụ của tinh thần sáng tạo, trí tuệ và chiều sâu văn hóa Á Đông.


Dù là một doanh nhân nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn luôn dành trọn tâm huyết cho việc đồng hành cùng thế hệ trẻ Việt Nam. Nhiều lần, ông xuất hiện trong các buổi trò chuyện với sinh viên, chia sẻ mộc mạc, chân thực về chính hành trình khởi nghiệp đầy khổ luyện của bản thân. Từng câu chuyện ông kể, từng bài học ông rút ra đều mang theo ngọn lửa ý chí, thôi thúc người trẻ dám mơ ước và dám hành động.

Với ông, khơi dậy khát vọng lớn trong lòng người trẻ là một sứ mệnh không kém phần quan trọng so với việc xây dựng đế chế cà phê Trung Nguyên. Chính vì vậy, ông đã tiên phong tổ chức nhiều chương trình mang tầm vóc quốc gia như "Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt" hay "Hành trình khát vọng Việt". Những sự kiện này không chỉ là sân chơi giao lưu, mà còn là không gian để mỗi bạn trẻ được tiếp thêm niềm tin, được hun đúc chí lớn và tìm thấy con đường của riêng mình trên hành trình phụng sự Tổ quốc.



Ông Vũ còn đầu tư hàng loạt công trình có giá trị văn hóa và giáo dục. Trung Nguyên đã phát hành hàng trăm nghìn cuốn sách gửi tặng học sinh, sinh viên với mong muốn góp phần hình thành một thế hệ trí tuệ, khát vọng và bản lĩnh. Tại Đắk Lắk, ông cho xây dựng Bảo tàng Thế giới Cà phê và nhiều không gian sáng tạo khác, với kỳ vọng nơi đây trở thành trung tâm tinh thần và văn hóa của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.




Hành trình của Đặng Lê Nguyên Vũ là minh chứng sống động cho một điều: không có con đường nào trải hoa hồng dẫn đến thành công, nhưng với khát vọng đủ lớn và lòng tin không lay chuyển, người ta hoàn toàn có thể viết lại số phận của chính mình. Dù ông không còn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, nhưng câu chuyện về những năm tháng khởi nghiệp của ông Vũ vẫn luôn là ngọn lửa truyền cảm hứng vẫn đang cháy âm ỉ trong tim hàng triệu người trẻ Việt Nam hôm nay.

Kim Kiên

Cô Nguyễn Thị Hiền: Hành trình 15 năm dạy trẻ đầy vất vả qua tâm sự của cô hiệu trưởng Mầm non Bé Yêu l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Cô Nguyễn Thị Hiền: Hành trình 15 năm dạy trẻ đầy vất vả qua tâm sự của cô hiệu trưởng Mầm non Bé Yêu l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Giám đốc Trung Tâm Bóng Đá Saigon Soccer Centre: “Tôi mong muốn lan tỏa mô hình SSC đi khắp cả nước” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Giám đốc Trung Tâm Bóng Đá Saigon Soccer Centre: “Tôi mong muốn lan tỏa mô hình SSC đi khắp cả nước” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Cô Phạm Thị Thu Thắng: “Hãy yêu con trẻ như cách ta yêu con của chính mình” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Cô Phạm Thị Thu Thắng: “Hãy yêu con trẻ như cách ta yêu con của chính mình” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Chị Nguyễn Thị Yến Vi: Hành trình từ cô sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đến vị trí Trợ lý Trưởng phòng Biên tập đầy hoài bão | Câu chuyện truyền cảm hứng | Nghề Giáo

Chị Nguyễn Thị Yến Vi: Hành trình từ cô sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đến vị trí Trợ lý Trưởng phòng Biên tập đầy hoài bão | Câu chuyện truyền cảm hứng | Nghề Giáo

Câu chuyện truyền cảm hứng Cô Bùi Thị Vui: “Tôi đến với nghề không chỉ vì tình yêu con trẻ” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Câu chuyện truyền cảm hứng Cô Bùi Thị Vui: “Tôi đến với nghề không chỉ vì tình yêu con trẻ” l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Nhà giáo Minh Ngọc: Người lái đò một đời tận tụy chắp cánh ước mơ của học trò l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo

Nhà giáo Minh Ngọc: Người lái đò một đời tận tụy chắp cánh ước mơ của học trò l Câu chuyện truyền cảm hứng l Nghề Giáo