'Người gác hải đăng' - khúc hát ru về tình mẫu tử | Sách hay | Nghề Giáo

Người mẹ mắc Alzheimer vẫn nhớ món ăn con yêu thích, trong "Người gác hải đăng" của nhà văn Cho Chang-In.

Tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 2001, được sáng tác trong thời gian tác giả lưu trú tại Mũi Né, Việt Nam. Sách đã bán 1,5 triệu bản tại Hàn Quốc, được Pibook giới thiệu là tác phẩm đầy tính nhân văn, mang đến cho người đọc những cảm xúc sâu lắng và bài học quý giá về cuộc đời.


Nhân vật chính của tác phẩm - Yoo Jaewoo - làm công việc trông coi ngọn hải đăng tại đảo Gumyeong đã tám năm. Anh từ mặt gia đình sau 24 năm sống trong sự phân biệt đối xử của người mẹ, chọn làm việc tại đảo xa với mong muốn tìm sự bình yên trong tâm hồn. Cuộc sống của Jaewoo bị xáo trộn khi người anh trai gọi điện báo tin mẹ mắc Alzheimer, anh bị đùn đẩy trách nhiệm chăm mẹ và có nguy cơ mất việc do cắt giảm biên chế. Giữa những biến động của cuộc đời, Jaewoo phải đối mặt quá khứ, tìm cách hóa giải khúc mắc giữa hai mẹ con.

Bìa "Người gác hải đăng", sách 344 trang, do Huyền Linh dịch, được NXB Phụ nữ Việt Nam và Công ty Skybooks liên kết ấn hành. Ảnh: Skybooks

Trong Người gác hải đăng, Cho Chang-In gửi gắm thông điệp về tình yêu thương đúng cách, sự gắn kết gia đình và việc học cách buông bỏ để bước tiếp. Nhà văn sử dụng cách kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

Tám năm Jaewoo bỏ đi là khoảng thời gian mẹ anh sống trong nỗi nhớ và sự day dứt. Thực chất, bà thương cả ba con nhưng không biết cách bày tỏ tình cảm với Jaewoo. Sau cái chết của chồng, bà sợ Jaewoo nhạy cảm giống bố, không thể đối mặt với khó khăn nên đã cư xử nghiêm khắc, cũng không nói lời yêu thương với con trai út. Tình thương trong âm thầm của mẹ khiến Jaewoo lầm tưởng bà thiên vị anh trai.

Khi Jaewoo ra đảo sống, bà nhờ Nanhee - cô bạn thời thơ ấu, cũng là mối tình đầu của anh - mang tặng chú chó Happy, với hy vọng con trai sống vui vẻ. Người mẹ thấy có lỗi vì không có tiền cho anh học đại học, bà nói với Nanhee: "Chăm chút cho cả ba đứa trẻ là chuyện quá khó khăn, vậy nên đứa út luôn thiệt thòi nhất. Phải chi lúc ấy thằng lớn tự lo được thì bác đã dốc tiền của để cho thằng út học đại học rồi. Chỉ vì bà mẹ tồi tệ này mà cuối cùng nó đã bỏ nhà ra đi". Sau này, khi tiết kiệm được một số tiền, mẹ Jaewoo mong anh trở về, bà sẽ cho anh học tiếp.

Khi đã bị bệnh, người mẹ không còn nhớ tên chính mình, việc vệ sinh cá nhân cũng phụ thuộc vào người khác. Bà dần quên tên những người con nhưng bản năng làm mẹ chưa bao giờ bị xóa nhòa.

Với Jaewoo, anh luôn muốn được mẹ yêu thương. Dù giận nhưng khi biết bệnh tình của mẹ, chàng trai vẫn lo lắng và cảm thấy xót xa cho người mẹ cả đời lo toan cho gia đình, dành dụm tiền để cậu con trai cả học đại học, thi tư pháp. Bà đáng lẽ có cuộc sống an nhàn khi về già, nay lại mất hết trí nhớ, sống như một đứa trẻ.

Nhà văn đi sâu vào mô tả tâm lý nhân vật khi để Jaewoo tự đặt ra loạt câu hỏi, tưởng chừng trách móc nhưng lại đầy tình thương với mẹ: "Tại sao mẹ lại thành ra thế này? Không phải mẹ là người phụ nữ cứng cỏi đã dành cả đời để làm thuê ở nhà người ta và không thua một trận cãi nhau nào ngoài chợ đó sao? Con người máu lạnh thậm chí còn không thèm chớp mắt khi nghe con trai đòi đoạn tuyệt quan hệ đi đâu mất rồi?".

Khi những hiểu lầm trong quá khứ được hóa giải, sức khỏe của mẹ anh kém dần. Jaewoo dành toàn bộ thời gian chăm sóc bà. "Con sẽ không đưa mẹ đến viện dưỡng lão, dù như vậy tốt cho mẹ đi nữa. Không phải vì mẹ cần con. Mà ngược lại, vì con cần có mẹ nắm lấy tay con như lúc này", anh nói.

Mỗi nhân vật trong tác phẩm của Cho Chang-In đều mang dáng vẻ cô đơn, và ẩn sau đó là câu chuyện khó giãi bày. Với Jaewoo, anh tới hòn đảo để trốn chạy khỏi sự cô độc trong chính gia đình mình. Mẹ Jaewoo - người phụ nữ góa bụa - phải một mình nuôi con khôn lớn khi còn trẻ. Trưởng phòng Jung yêu biển cả và công việc gác hải đăng nhưng lại trở nên cô độc ở nơi này. Vợ và con của ông mất vì bão trong một lần ra đảo thăm ông.

Độc giả Mỹ Phượng, 20 tuổi, TP HCM, nói về cuốn sách triệu bản: "Ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã nghẹn ngào muốn khóc. Tôi cũng thích cái nhìn đầy sâu sắc của Jaewoo khi đối diện với quá khứ và hiện tại, cách anh suy nghĩ về mẹ và hòn đảo nơi anh sinh sống để hình thành nên một thứ tình cảm bền chặt khó nói thành lời".

Trên Goodreads, bạn đọc tên Anna cho biết đây là một câu chuyện cảm động với nhiều thứ tình cảm đan xen. "Tôi đọc cuốn sách trong ba tiếng và chắc chắn sẽ đọc lại", Anna viết.

Theo Pibook, Cho Chang-In là một tác giả nổi tiếng với lối viết tinh tế và sâu lắng. Ông khéo léo dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật, khơi gợi những suy tư về cuộc sống, tình yêu thương và sự cô độc.

Nhà văn được biết đến với tác phẩm do Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc Bố con cá gai (2017), truyện kể về hành trình hai cha con cậu bé Daum cùng nhau chống chọi căn bệnh máu trắng em mắc phải. Theo trang Korea, Bố con cá gai được viết dưới góc nhìn của người bố và cậu con trai, xen kẽ suốt sáu chương sách, làm mạch truyện giàu cảm xúc và đa chiều. Ông nói về hai sáng tác của mình: "Tôi vẫn còn nợ thế giới rất nhiều qua Bố con cá gai. Và khi viết Người gác hải đăng, tôi một lần nữa nhận ra yêu thương quá mức đôi khi cũng sẽ trở thành gánh nặng. Hy vọng sau tác phẩm này, tôi sẽ dần dần trả hết món nợ ấy".

Nhà văn Cho Chang-In. Ảnh: Nhã Nam

Tác giả cũng cho biết có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Tại buổi giao lưu với các bạn trẻ yêu mến văn học Hàn Quốc năm 2021, nhà văn nói: "Hầu hết phần kết các tác phẩm của tôi đều được hoàn thiện ở đất nước này. Mỗi khi bị tắc nguồn cảm hứng, tôi sẽ bay sang đây để viết nốt". Người gác hải đăng là một trong hai sáng tác ông muốn giới thiệu tới độc giả Việt.

Cho Chang-In sinh năm 1961 tại Seoul, Hàn Quốc, tốt nghiệp ngành văn học tại trường Đại học Chungang. Ông từng là nhà báo, trong thời gian làm việc ở ngành xuất bản, Cho Chang-In góp phần giới thiệu nhiều cuốn sách có giá trị tới bạn đọc. Sau khi trở thành nhà văn, ông tiếp tục viết những tác phẩm mang thông điệp về giá trị của gia đình và tình yêu chân chính như: Con đường (2004), Người vợ (2007), Bố con cá gai (2017), Khu tập thể hạnh phúc (2022).

VNExpress