Nếu bạn yêu thích những tác phẩm viết về miền tuổi thơ, với các trò chơi trẻ con, khung cảnh làng quê gần gũi, sự rung động đầu đời, đám bạn bè và trường lớp hồi ấy, thì chắc chắn bạn đã quen thuộc với cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Những câu chuyện của ông không chỉ làm sống lại những ký ức ngọt ngào của thời thơ ấu mà còn mang đến sức mạnh chữa lành tâm hồn, giúp chúng ta tìm về cảm xúc đơn sơ nhất và cảm nhận sự bình yên trong từng câu chữ. Nhờ vào những khung cảnh đẹp và câu chuyện tình nên thơ mà những thước phim từ sách của Nguyễn Nhật Ánh khơi dệt lên nhiều cảm xúc khó tả cho người xem. Nhờ vào điều này mà phim chuyển thể từ sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả Việt.
Nhưng tại sao, sau bao năm, Nguyễn Nhật Ánh vẫn chọn chủ đề tuổi thơ để viết? Hãy cùng Nghề Giáo tìm hiểu về Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn lấy tuổi thơ thành “cội nguồn sáng tạo” để viết nên những tác phẩm đầy ý nghĩa và cảm xúc để trả lời câu hỏi này nha.
Hoàng tử bé của tuổi thơ
Vào năm 2012, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt cuốn sách mang tên "Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ". Cái tên "Hoàng tử bé" được đặt cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là vì địa chỉ email của ông chứa cụm từ tiếng Pháp dễ thương: "le petit prince," có nghĩa là Hoàng tử bé. Có lẽ "Hoàng tử bé" là tác phẩm văn học mà Nguyễn Nhật Ánh yêu thích từ thuở nhỏ và đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự nghiệp sáng tác của ông sau này. Và thật sự, Nguyễn Nhật Ánh cũng như một Hoàng tử bé trong đời thực. Với vóc dáng nhỏ nhắn, nét mặt trẻ trung, và tâm hồn trong sáng, ông luôn là người bạn thân thiết của các em nhỏ qua các câu chuyện về tuổi thơ.

Nguyễn Nhật Ánh sống trong một gia đình nông dân tại một làng quê ở Quảng Nam. Khi còn nhỏ, ông đã rất mê sách. Nhưng vì gia đình nghèo, ông chỉ có thể mượn sách từ bạn bè hoặc nghe kể lại những câu chuyện. Mãi đến khi học lớp 9, ông mới lần đầu tiên được bước vào một nhà sách. “Trước mặt tôi lúc đó chính là thiên đường tuyệt vời. Và cảm giác đó tới giờ vẫn khiến tôi ngộp thở mỗi khi nhớ lại”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ. Cũng từ đó, trong lòng ông ấp ủ ước mơ liên quan đến sách, dù là trở thành nhà văn hay chủ một tiệm sách. Đến nay, Nguyễn Nhật Ánh đã thực hiện được ước mơ của mình, trở thành một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm ở các thể loại.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng như hiện nay, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy và viết báo dưới nhiều bút danh khác nhau như Lê Duy Cật, Chu Đình Ngạn, Sóc Phương Đông,... Sau khi ra mắt tập thơ "Thành phố tháng tư" vào năm 1984, ông cũng bắt đầu phát hành tác phẩm văn xuôi đầu tay của mình. Năm 1990, Nguyễn Nhật Ánh được trao Giải thưởng Văn học Thanh thiếu niên hạng A cho tác phẩm "Chú bé rắc rối." Từ năm 1995 đến 2002, ông phát hành bộ truyện "Kính vạn Hoa” và đây cũng là tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình.
Những tác phẩm chữa lành
Với các em nhỏ, “chú Ánh” có nhiều tác phẩm tuyệt cú mèo như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Ngồi khóc trên cây”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Kính vạn hoa”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Trại hoa vàng”; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Chuyện xứ Langbiang”, “Có hai con mèo ngồi cửa sổ”, “Bồ câu không đưa thư”…
Với những người đã trưởng thành, Nguyễn Nhật Ánh là người mang đến những câu chuyện gợi nhớ tuổi thơ và những cảm xúc nhẹ nhàng về tình yêu thời niên thiếu qua các tác phẩm như "Mắt biếc," "Cô gái đến từ hôm qua," "Ngày xưa có một chuyện tình," "Mùa hè không tên,"...
Những câu chuyện của ông không chỉ khơi dậy những cảm xúc khó diễn tả mà còn giúp ta tìm lại những ký ức đã phai nhòa, sống lại quãng thời gian tươi đẹp ấy. Dù các tác phẩm của ông dành cho thiếu niên hay thanh niên, chúng luôn mang trong mình sự trong trẻo, hồn nhiên và cũng thấm đượm một nỗi buồn hoài niệm và tôn vinh cảm xúc chân thật.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ khơi gợi những cảm xúc sâu lắng mà còn giúp người đọc giải tỏa và chữa lành qua từng câu chuyện. Dù nhiều câu chuyện của ông có thể khiến người đọc day dứt mãi nhưng chúng vẫn là nơi mà người ta tìm đến khi cần sự bình yên.
Người ta còn nói rằng, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một "hệ tư tưởng điện ảnh" riêng. Đến nay, đã có nhiều tác phẩm của ông được dựng thành phim thành công, như “Mắt biếc,” “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,” “Cô gái đến từ hôm qua,”... và sắp tới đây là “Ngày xưa có một chuyện tình.” Những thước phim ấy như tái hiện lại những bức tranh lãng mạn mà Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên bằng ngôn từ, khiến trái tim người xem không khỏi rung động. Những cảm xúc tinh tế, những mối tình ngọt ngào nhưng day dứt, tất cả đều được tái hiện sống động trên màn ảnh, khiến khán giả như sống lại những khoảnh khắc mà họ từng trải qua khi đọc sách.
Tuổi thơ là “cội nguồn sáng tạo”
Bạn có nhận thấy làng Đo Đo gần như luôn xuất hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không? Đó là bởi đây chính là quê hương của ông.
“Làng tôi có một cái chợ tên là chợ Đo Đo. Từ lâu tên chợ đã thành tên làng. Lớn lên, tôi đi đâu xa, xưng là người làng Đo Đo, ai cũng biết”.
Nguyễn Nhật Ánh từng sống ở quê nhà đến năm 8 tuổi, sau đó chuyển đến nơi khác sinh sống, nhưng nỗi nhớ về quê hương vẫn luôn in sâu trong ông. "Tôi luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất.”
Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận rằng suốt 40 năm qua, ông chỉ "viết đi viết lại" những câu chuyện tuổi thơ, như một cách để "kéo tuổi thơ gần lại". Việc viết về làng Đo Đo và những nhân vật trong làng chính là cách ông thuê lại bức tranh tuổi thơ của mình, nơi mỗi số phận nhân vật là một chỉ màu riêng biệt. Qua những sắc màu đó, độc giả không chỉ cảm nhận được tuổi thơ của các nhân vật mà còn thấy hình bóng tuổi thơ của chính mình ẩn hiện trong từng câu chữ.

Nhà văn cũng chia sẻ rằng, đôi khi ông thử viết về các chủ đề khác để tìm kiếm những trải nghiệm mới, nhưng cuối cùng vẫn quay về với "cội nguồn sáng tạo" là tuổi thơ. Điều này phần nào phản ánh được nỗi ám ảnh của ông về thời gian. Như Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Nhà văn cũng chỉ có một cuộc đời. Và trong kiếp người hữu hạn đó, nhà văn chỉ có thể tập trung làm thật tốt những gì thuộc về sở trường của mình, tức là điều mà người viết tin rằng mình có thể làm tốt nhất.” Có lẽ vì thế mà ông chỉ viết mỗi chủ đề tuổi thơ để có thể truyền tải tốt nhất cái tươi đẹp của tuổi thơ trong các tác phẩm của mình.
Nhiều nhà văn khi đã thành danh thường mất dần cảm hứng và bút lực, nhưng Nguyễn Nhật Ánh thì không như vậy. Mỗi năm, ông đều đặn cho ra mắt những cuốn sách mới và giữ vững cảm hứng sáng tác dù chỉ xoay quanh chủ đề “tuổi thơ” xuyên suốt. Ông chia sẻ: "Tôi viết văn không vì lý do ngoài văn chương nên không mất cảm hứng hay động lực. Khi viết, tôi cảm nhận rõ ràng mình đang sống. Tôi thường nói với bạn bè rằng tôi viết vì yêu nghề văn, vì tôi thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình, thong thả viết những trang văn mình yêu thích." Chính vì vậy, ông tập trung viết về chủ đề tuổi thơ, để có thể truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp của tuổi thơ trong các tác phẩm của mình.
Gia đình là hậu phương vững chắc
Dẫu tình yêu với văn học là vậy, nhưng để giữ vững bút lực như thế thì gia đình chính là phần hậu phương vững chắc trong hành trình của ông.
Nguyễn Nhật Ánh rất kín tiếng về đời sống gia đình. Mọi người chỉ biết rằng ông yêu vợ và con qua những câu chuyện ít oi về gia đình của mình. Ông luôn cảm thấy rằng: Điều tuyệt vời nhất cuộc đời là lấy được một người vợ đảm và cầm bút viết những gì mình thích. Ông ít khi tham gia vào công việc nhà, vì vợ ông, cô Thu, luôn là người quán xuyến mọi chuyện. Cô Thu chia sẻ: “Ảnh ít làm lắm nhưng ảnh nói ảnh có người trợ giúp. Người trợ giúp đó là chị đó”. “Nếu một người mà để đầu óc vào những chuyện nhà như thế, lo những chuyện đó thì không còn đầu óc sáng tác, viết văn đâu. Mà sức lao động, công việc viết văn của anh Ánh rất là lớn, rất là vất vả, cực nhọc.”
Cô con gái của ông cũng rất thích nghe ông kể chuyện. Có lẽ nhờ việc chơi đùa, trò chuyện, và quan sát cuộc sống của con gái mà Nguyễn Nhật Ánh luôn giữ được sự gần gũi với đời sống của đối tượng độc giả mà ông hướng đến. Cô con gái cũng là độc giả đầu tiên của ông. Nhà văn từng chia sẻ rằng, khi còn nhỏ, mỗi lần đi học về, con gái ông lại chạy thẳng lên phòng hỏi: “Ba ơi, ba viết đến đâu rồi?” và luôn đòi đọc phần tiếp theo của câu chuyện mà ông đang viết.
Rõ ràng, gia đình chính là nguồn cảm hứng và là hậu phương vững chắc của Nguyễn Nhật Ánh. Nếu không có sự hỗ trợ và tình yêu từ gia đình, có lẽ ông đã không thể sáng tác nên những câu chuyện cảm động về gia đình và tuổi thơ như vậy.
Từng trong giới “giang hồ”
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ nổi tiếng với tài viết truyện mà còn là một cây bút bình luận bóng đá sắc sảo. Trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ông từng viết dưới bút danh Chu Đình Ngạn, mang phong cách kiếm hiệp vào các bài phân tích thể thao, khiến người đọc thích thú. Phải là người hiểu “giang hồ” thì mới có thể viết được như vậy. Người ta đồn rằng, Nguyễn Nhật Ánh đã gia nhập môn phái Cái Bang, học đủ các tuyệt kỹ võ công của môn phái, tung hoành trong thiên hạ để rồi cũng nếm trải mùi “giang hồ hiểm ác”.

Thật ra, ông tham gia giang hồ để “đi thực tế” rồi về sáng tác. Truyện dài kỳ Kẻ thần bí hấp dẫn trong bộ truyện Kính vạn hoa chính là kết quả chuyến ngao du của “chú Ánh” trong thế giới Võ lâm truyền kỳ. Truyện kể về một chú bé mê game, được sự giúp đỡ của bạn bè đã dần dần trở về với việc học hành và nhịp sống bình thường. Tác phẩm - viết về game nhưng không kỳ thị, cũng không cổ súy game - được đăng tải liên tục trên báo Thanh Niên đúng vào lúc trò chơi trực tuyến Võ lâm truyền kỳ đang cực thịnh, thu hút số lượng lớn độc giả.

Hồi đó, Nguyễn Nhật Ánh vừa chơi game vừa trò chuyện cùng các bằng hữu trong giang hồ nên ông hiểu thật game và tâm tư của những anh em chơi game lúc ấy. Cũng vì vậy, nhà phát hành Vinagame đã nhờ ông làm chuyên gia “gỡ rối tơ lòng” cho các anh hùng giai nhân chốn giang hồ. Thế là Nguyễn Nhật Ánh trở thành một “anh Bồ Câu” của chốn võ lâm với biệt hiệu Tiếu Ngạo Thư Sinh - những câu trả lời hài hước kết hợp những trải nghiệm thực tế trong game khiến người chơi thích thú.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết để khơi gợi cảm xúc cho chính mình mà còn để chữa lành tâm hồn độc giả, dù chỉ xoay quanh một chủ đề duy nhất là “tuổi thơ”. Dưới ngòi bút của ông, chủ đề tuổi thơ không đơn thuần là điểm khởi đầu mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Ông khai thác sâu sắc từng khía cạnh của ký ức tuổi thơ, khiến cho những tác phẩm của mình luôn có sức hút mạnh mẽ với độc giả. Trong thế giới tuổi thơ mà Nguyễn Nhật Ánh tạo ra, những ký ức tươi đẹp thời thơ ấu như sống lại, mang đến sự an ủi và bình yên cho tất cả độc giả.
Mong rằng, Nguyễn Nhật Ánh sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều khía cạnh của chủ đề tuổi thơ, để chúng ta có thêm những tác phẩm chữa lành cho tâm hồn, giúp người lớn tìm về với những kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu. Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh, vì đã cất lên tiếng nói đại diện cho tuổi thơ tươi đẹp của bao người!
Kim Kiên - Nghề Giáo